CEO Nguyễn Tiến Huy: “Hãy hiểu chiếc hộp của bạn”

8628

Từ một cậu học sinh tò mò với Internet rồi trở thành doanh nhân là những cuộc vượt qua giới hạn bản thân mình của anh Nguyễn Tiến Huy – CEO MVV Digital. Và kết quả của nó thường là những thứ ngoài giới hạn.

Doanh nhân trẻ Nguyễn Tiến Huy đã liên tục vượt qua những giới hạn của chính mình để đi lên
Doanh nhân trẻ Nguyễn Tiến Huy đã liên tục vượt qua những giới hạn của chính mình để đi lên

Doanh nhân trẻ Nguyễn Tiến Huy đã liên tục vượt qua những giới hạn của chính mình để đi lên

Thay đổi để vượt qua giới hạn

Từ khi còn là một học sinh cấp 3 ở Đồng Nai, chàng trai Nguyễn Tiến Huy đã bị hấp dẫn và rất tò mò với công nghệ Internet. Thời đó Internet tại Việt Nam còn đắt đỏ nên khi không có đủ tiền để thuê máy, anh chàng Tiến Huy đã lân la làm quen với ông chủ hàng Net để được nhận vào làm trong dịp nghỉ hè với mức lương ít ỏi. Mỗi sáng dậy sớm, anh mở cửa tiệm, nhận nước đá cây rồi đập nhỏ làm trà đá, sau đó quản lý phòng máy cả ngày. Nhờ thế đã cho anh cơ hội được tiếp xúc với Internet và nghiên cứu các công nghệ thiết kế website và phần mềm từ sớm.

Khi đến Sài Gòn lập nghiệp, anh đi tìm một công việc để học hỏi nhiều hơn và “cái duyên” lại đưa đẩy đến lĩnh vực Digital khi anh có được cơ hội làm bán thời gian tại một công ty phát triển website cho khách hàng Nhật Bản. Thời gian này, anh đã đối mặt với nhiều thách thức trong công việc và vượt qua với tư duy “không gì là không thể”.

Sau 2 năm làm việc, anh quyết định nghỉ để thử sức ra làm chủ và lập ra Bút Chì Creative (khởi nguồn của nickname Huy Pencil). Trong thời điểm nhạc Pop thị trường bùng nổ, Bút Chì Creative đã tham gia các chương trình truyền thông trong lĩnh vực giải trí cho các ca sĩ như Nhất Thiên Bảo, Điền Thái Toàn… Nhưng vào giữa lúc công việc tại Bút Chì Creative bước vào ổn định, ở tuổi 21, anh lại quyết định đóng cửa nó khi nhận thấy mình chưa đủ tầm nhìn để tiến xa trong ngành.

Chuyển sang làm việc tại công ty “WHO? Digital”, Nguyễn Tiến Huy có cơ hội tham gia vào các chiến dịch truyền thông số cho các khách hàng trong và ngoài nước, dưới áp lực công việc lớn và yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao. Có những thời điểm, anh là thiết kế duy nhất của công ty và đảm nhận cả những công việc về lập trình trò chơi tương tác.

Những thành công có được của anh đó là một kết quả của niềm tin “không gì là không thể”
Những thành công có được của anh đó là một kết quả của niềm tin “không gì là không thể”

Sau khi Công ty này được sáp nhập vào tập đoàn Ogilvy và trở thành công ty OgilvyOne, Tiến Huy tiếp tục đảm nhận vị trí GĐ Sáng tạo và sau đó là Giám đốc Kỹ thuật số. Từ một thiết kế viên rồi xây dựng và quản lý đội ngũ sáng tạo, cho tới tư vấn chiến lược, mỗi vị trí mới lại là một thách thức cần đến tư duy vượt giới hạn ở anh.

Khi đang ở vị trí cấp cao là Giám đốc Kỹ thuật số tại Tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới, một lần nữa anh tiếp tục vượt giới hạn của mình bằng cách rời khỏi vị trí này để về Công ty Red Cat Motion (một công ty nhỏ chuyên về hoạt hình, đồ họa chuyển động) với 6 nhân sự. Đảm nhận vai trò Giám đốc chiến lược, Tiến Huy đã cùng đội ngũ quản trị của Red Cat Motion đưa công ty lên con số gần 20 nhân sự.

“Làm vì sợ chán”

Anh sợ nhất là sợ chết, vì chỉ cần còn sống thì chuyện gì cũng làm được. Anh hay đi du lịch bụi, chơi những trò mạo hiểm cũng vì sợ chết. Sợ chết mà chưa đi được hết, chưa trải nghiệm hết những gì mình muốn làm.

Anh đạt được rất nhiều thứ như vậy vì sợ…Chán
Anh đạt được rất nhiều thứ như vậy vì sợ…Chán

Nỗi sợ thứ hai là sợ chán, anh làm gì cũng muốn có sự đổi mới vì sợ những lúc bản thân cảm thấy chán chường với chính mình. Khi nào mà phải làm đi làm lại một công việc thì chán hẳn, chẳng muốn nhìn mình, nói chuyện với mình.

Hãy hiểu chiếc hộp của mình trước khi vượt giới hạn

Anh chia sẻ: “Đối với tôi, tôi nghĩ chẳng có ý tưởng nào là ý tưởng triệu đô cả, chỉ có con người triệu đô. Nếu bạn chỉ nghĩ ra ý tưởng thôi và nghĩ rằng nó rất khác biệt mà giữ khư khư thì nó mãi chỉ là ý tưởng mà thôi”.

Người ta nói rằng “những người chỉ tư duy trong chiếc hộp thì khó tìm thấy những ý tưởng độc đáo và sáng tạo”. Nhưng anh nghĩ rằng trước hết cần phải hiểu được chiếc hộp đó rộng đến đâu. Nếu bạn chỉ nhìn thấy một chiếc hộp nhỏ, rồi nhảy ra khỏi nó và nghĩ rằng đó là vượt giới hạn, rồi tự cảm thấy hài lòng với những ý tưởng của mình thì đó là một sự hiểu lầm về bản thân. Đồng thời cảm giác tự sướng với những ý tưởng siêu cấp của mình rất dễ chịu, nó tạo ra một chiếc hộp khác nữa bao bọc các bạn lại mà không ý thức được. Ôm lấy một ý tưởng nhỏ bé mà không biết cách chia sẻ để phát triển nó thành hiện thực, không biết làm việc nhóm cùng những người khác vì tư duy “của tôi”, thì dù có làm gì cũng khó thành.

Muốn nghĩ ngoài chiếc hộp, trước hết bạn phải hiểu rõ về chiếc hộp của mình.

Khi hỏi anh về mục tiêu bền vững, anh cho biết: “Các bạn trẻ muốn theo đuổi thành công bền vững cần xác định rõ được mục tiêu của mình. Liệu thành công của mình sẽ dẫn lối giá trị như thế nào cho cuộc sống, liệu chúng ta có thể thay đổi một thói quen, hay giúp sáng tạo những sản phẩm, dịch vụ mới… Giá trị vật chất đương nhiên là quan trọng nhưng giá trị cho cộng đồng mới là yếu tố giúp các bạn xác định được sứ mệnh của mình, giúp những người đồng hành hiểu rõ sứ mệnh của họ. Từ sứ mệnh hướng đến các giá trị cụ thể cho cuộc sống, mọi hành động của các bạn trong môi trường kinh doanh đều có thể tuân theo nó, để hướng đến phát triển bền vững”.

Nguồn: hoclamgiau.vn