Đi máy bay, nhìn ra cửa sổ, bạn có thể phát hiện ra một cái lỗ nhỏ trên lớp kính cửa sổ và điều thú vị là chiếc lỗ này lại nằm bên trong lớp kính, không thông giữa 2 mặt kính. Cửa sổ máy bay nào cũng có 1 lỗ nhỏ như vậy và chức năng của nó là gì?
Chiếc lỗ nhỏ này được gọi là ” lỗ thở” ( Breather hole hay Bleed hole) và vai trò của nó rất quan trọng trên máy bay. Khi quan sát kỹ cửa sổ cabin, bạn có thể phát hiện ra nó có đến 3 lớp kính.
Lớp kính mà bạn chạm được (nằm ở trong cùng) được gọi là inner pane hay scratch cover và chức năng của nó là bảo vệ toàn bộ cửa sổ trước những va chạm, cũng như ngăn hành khách tiếp cận 2 lớp kính ngoài cùng. Kế đến là lớp kính ở giữa middle pane và lớp kính ngoài cùng outer pane. 2 lớp kính ngoài cùng dày khoảng 1,3 cm, làm bằng thủy tinh hữu cơ Plexiglas và nằm cách nhau một khoảng trống khí cũng bằng 1,3 cm.
Chức năng quan trọng nhất của chiếc lỗ nhỏ này là điều hòa áp suất tác động lên các cửa sổ. Khi bay, hệ thống điều áp trên máy bay đảm bảo áp suất cabin được giữ ở mức dễ chịu và an toàn đối với con người, do đó áp suất trong cabin luôn lớn hơn áp suất bên ngoài. Ở độ cao khoảng 7000 ft (2133 m), áp suất thường được giữ ở mức 11 PSI (0,77 kg/cm2).
2 lớp kính ngoài cùng được thiết kế bền để chịu được sự chênh lệch về áp suất trong và ngoài máy bay. Tuy nhiên, vì có chiếc lỗ nhỏ trên lớp kính giữa nên lớp kính ngoài cùng sẽ chịu áp suất nhiều nhất. Chiếc lỗ cho phép áp suất trở nên cân bằng giữa cabin bên trong và khoảng trống khí giữa các lớp kính. Nếu lớp kính ngoài cùng bị nứt vỡ, lớp kính giữa sẽ giữ áp suất thay vì khiến toàn bộ cửa sổ nổ tung hướng vào trong hay hướng ra ngoài tùy thuộc vào sự chênh lệch áp suất. Phi công sẽ có đủ thời gian để đưa máy bay xuống một độ cao thấp hơn để giải quyết vấn đề mất áp suất này. Ngoài ra, chiếc lỗ thở còn giúp giải phóng không khí ẩm và giữ cho cửa sổ không bị mù hay phủ sương.
Qua đó có thể thấy chiếc lỗ này dù nhỏ, dù là một chi tiết ít ai để ý đến nhưng lại đóng vai trò an toàn rất lớn trên máy bay.
Nguồn: Internet