Sự phát triển của xương
Theo “Giải phẫu người” của trần Xuân Nhi và Nguyễn Quang Vinh (nhà xuất bản giáo dục 1987), trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển cơ thể, bộ xương người làm bằng mô liên kết. Về sau, mô liên kết biến thành mô sụn, ngoại trừ một số mô đặc biệt. Mô sụn hay mô liên kết phát sinh ra những điểm hóa xương. Những xương phát sinh từ mô liên kết gọi là xương màng, như nhiều xương ở hộp sọ.
Còn lại phần lớn các xương khác trong cơ thể đều được phát triển bằng cách thay thế các sụn, gọi là xương thứ sinh hoặc là xương thay thế. Có hai cách hóa xương thay thế các sụn: hóa xương trong sụn khi sự hóa xương bắt đầu trong lòng sụn và hóa xương ngoài sụn khi sự hóa xương bắt đầu ở bề mặt sụn.
Đối với xương dài, sự hóa xương bắt đầu từ phần giữa của thân xương theo cách hóa xương ngoại sụn. Sự hóa xương trong sụn bắt đầu chậm hơn và được nối liền với với phần hóa xương ngoại sụn. Các điểm hóa xương ngoại sụn dần dần được nối liền với nhau ở dưới lớp màn xương và tạo nên mô xương. Đồng thời với sự hóa xương, trong lòng xương xảy ra một sự phân hủy các chất xốp để hình thành ống xương rỗng chứa tủy xương. Sự phát triển theo chiều dài bằng cách phát triển thêm mô sụn ở hai đầu xương, các đầu xương giữ mô sụn rất lâu.
Những điểm hóa xương trong sụn tiếp tục phát triển ở đầu xương trong khoảng 10 năm (ở nam thì khoảng 10-15 tuổi đến 20-25 tuổi, ở nữ thì khoảng 8-10 tuổi đến 18-20 tuổi). Từ tuổi thiếu niên bước qua tuổi thanh niên có nhiều sự tăng trưởng nhất.
Yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của xương?
Sự phát triển bộ xương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bên cạnh yếu tố cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, yếu tố vận động tạo điều kiện các sụn giãn dài ra trong thời gian 10 năm phát triển thành sụn hóa thành xương cũng được xem là một trong các yếu tố quan trọng.
Từ sự trình bày khoa học trên đây về sự phát triển và tăng trưởng của xương, chúng ta có thể thấy rằng việc tập luyện võ thuật sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển chiều dài của xương, tức phát triển chiều dài của cơ thể, cũng như góp phần hóa xương nhanh của các sụn đầu xương, tức hạn chế chiều cao của cơ thể, tùy thuộc vào giáo trình huấn luyện võ thuật cho các võ sinh trong độ tuổi 10 năm sụn phát triển thành xương như đã nói ở trên.
Thật vậy, đối với các võ sinh đang trong độ tuổi phát triển, một giáo trình huấn luyện võ thuật biết kích thích tạo điều kiện giãn dài các đầu sụn của xương, nhất là xương dài, chắc chắn sẽ giúp cho võ sinh tăng nhanh sự phát triển chiều cao của cơ thể. Ngược lại, cùng một đối tượng, nhưng giáo trình huấn luyện võ thuật khác lại chú trọng quá nhiều đến các thế tấn trụ người, làm cho tăng nhanh sự hóa xương của các đầu sụn, dĩ nhiên sẽ làm hạn chế sự phát triển của chiều cao cơ thể của người võ sinh.
Vì vậy, để trả lời câu hỏi tập luyện võ thuật từ những lứa tuổi mà cơ thể bắt đầu phát triển (tức khoảng từ 8-10 tuổi đến 16-18 tuổi), tập trong thời gian liên tục từ 3 năm đến 5 năm hoặc 6 năm, với một giáo trình chú trọng những động tác kéo giãn dài tứ chi và toàn thân, tránh những động tác trì nặng trên hai chân, hai vai và đầu, thì kết quả ắt sẽ toại ý.
Tổng hợp Number 1
Nguồn: vothuat.vn