Những bài học rút ra từ Talkshow với giám đốc trẻ Nguyễn Tiến Huy

8438

Câu chuyện “8 năm thăng 8 cấp vượt qua 8 thất bại” của giám đốc trẻ Nguyễn Tiến Huy đã để lại nhiều ấn tượng trong buổi talkshow tối ngày 7/12/2015. Rất nhiều bài học và những chia sẻ thật lòng của anh giúp chúng ta hiểu hơn về hành trình đi đến thành công với tư duy “Đừng bao giờ nói không phải việc của tôi!”.

Talkshow giao lưu với anh Nguyễn Tiến Huy diễn ra vào ngày 7/12/2015
Talkshow giao lưu với anh Nguyễn Tiến Huy diễn ra vào ngày 7/12/2015

Dưới đây là một vài chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Huy về những câu hỏi đặt ra trong buổi Talkshow ngày 7/12. Hy vọng những chia sẻ này sẽ là cẩm nang hữu ích dành cho các bạn trên hành trình chinh phục thử thách và vươn tới thành công.

Quang Nguyen: Làm thế nào để anh cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Những người đã và đang hỗ trợ anh trong sự nghiệp có ý nghĩa thế nào?

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống luôn luôn là mong ước rất lớn đối với tất cả chúng ta. Bản thân mình không hẳn đã làm tốt được việc đó. Đôi khi mình cũng cảm thấy rất stress, một phần từ phía công việc hay cuộc sống.

Khi chưa có công ty riêng thì công việc khá là dễ dàng đối với mình. Lúc đó mình chỉ đóng vai trò trong một bộ máy, nên mình giành được khá nhiều thời gian để đi du lịch. Mỗi năm mình có thể đi 5 đến 6 chuyến hoặc thậm chí có thể nhiều hơn. Đây cũng là thời gian thú vị để mình lấy lại sự cân bằng sau một khoảng thời gia đối mặt với những khó khăn cho tới buồn chán. Lúc đó mình có cơ hội được rời khỏi công việc một chút và lên đường khám phá những địa điểm mới, gặp gỡ với những con người mới.

Du lịch là một trải nghiệm tuyệt vời giúp anh tìm lại sự cân bằng
Du lịch là một trải nghiệm tuyệt vời giúp anh tìm lại sự cân bằng

Nhưng sau này khi có công ty riêng rồi, mình vẫn chủ động hơn một chút mặc dù vẫn có rất rất nhiều việc cần phải lo. Đặc biệt là giờ mình đã có một cô con gái 16 tháng tuổi rồi, nên mình luôn cố gắng đặt mục tiêu về nhà lúc 6 giờ tối, cái điều mà hồi xưa mình không thể làm được. Lúc đó mình về chơi với con tới 8 giờ thì cho bé đi ngủ, rồi lại bắt đầu làm việc tiếp. Cách thức này giúp mình cân bằng được thời gian trong công việc và giúp mình có thời gian giành cho gia đình.

Ngoài ra thì gia đình và cuộc sống còn là hai phần quan trọng để mình có thể… “Đi trốn”.

Một lúc nào đó nếu mà cuộc sống quá mệt mỏi thì mình có thể “trốn” vào công việc hoặc nếu công việc quá áp lực thì mình lại “trốn” vào gia đình, giành thời gian chơi với con, sau đó thì mình cảm giác công việc không còn là vấn đề lơn nữa.

Sau này mình được học viện Sage mời giảng dạy cho cộng đồng làm Marketing và doanh nhân về những chủ đề chuyên môn của mình, thì nó lại trở thành một sở thích mới của mình. Và cũng vô tình trở thành một nơi lý tưởng để mình “trốn”! Khi mà công việc và cuộc sống hơi mệt rồi thì đây là một nơi thích hợp để cho mình “trốn”, cứ trốn qua trốn lại với nhau!

Lợi: Em chào anh Huy, em có câu hỏi như sau: Nếu như một ngày nào đó anh giao việc cho nhân viên, và bị nhận lại câu như “Không phải việc của em, scope công việc em không có việc này” thì anh sẽ làm gì với bạn nhân viên đó.

Các bạn trẻ hiện nay thì thường có tinh thần là “Scope công việc này không phải việc của em!”. Nếu mình nhận được câu trả lời như vậy thì chắc chắn trước tiên mình cần phải xem lại xem có đúng vậy hay không. Đôi khi ở vị trí một người làm quản trị, họ luôn phải đứng trước áp lực phải hoàn thành công việc chung của công ty. Và dưới những áp lực đó thì người quản trị phải tìm được những hình thức sắp xếp nhân sự, thay đổi cấu trúc nhân sự để làm sao triển khai công việc tốt nhất. Dẫn đến xảy ra một số trường hợp có những người được đặt vào một nơi mà nơi đó “không phải việc của họ”.

Nếu mình nhận được câu trả lời như vậy thì trước hết mình sẽ suy nghĩ xem bạn đó đã phù hợp với vị trí này chưa, lúc đó mình sẽ linh động tạo ra những phương án mới để hoàn thành dự án. Nhưng hơn hết thì bạn đó một phần đã đánh mất đi cơ hội của mình, vì cơ hội có thể chỉ đến trong trường hợp đó thì đó mới trở thành cơ hội, giống như câu nói: “Thời thế tạo anh hùng”, phải có loạn thì mới tạo anh hùng. Đó là khi mà cơ hội đến, công ty đang phải đối mặt trước những khó khắn thì bạn sẽ có cơ hội vượt lên công việc hằng ngày để đảm nhiệm (thử) những vai trò mới. Nếu bạn tạo được điểm khác biệt thì bạn xứng bạn thì bạn xứng đáng để được phát triển lên.

Nhưng quay lại thì chúng ta cần làm gì với bạn này? Mình thì nghĩ cũng không cần phải làm gì cả, vì mỗi người đảm nhiệm một vai trò trong mô hình công ty, nếu bạn này không phù hợp với những bước tiến xa hơn thì bạn ấy có thể phù hợp những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ. Nó cũng là một phần quan trọng trong các công ty, tất nhiên là sau khi mình đã cân nhắc xem bạn ấy có phù hợp với sự tỉ mỉ như mình nói hay không hoặc thái độ này có ảnh hưởng đến công việc của công ty hay không.

Dovu: Anh Huy ơi, cho em hỏi làm sao để có thể mở công ty riêng?

Mở công ty riêng thì rất dễ, ở sở thì bạn chỉ cần tốn vài trăm là đã có thể mở được một công ty riêng rồi. Vấn đề là ở chỗ bạn sẽ làm gì với công ty đó!

Bạn cần cố gắng tìm ra một chuyên môn cho mình. Nếu như bạn sẵn sàng lao vào làm những công việc nhỏ nhất trong lĩnh vực chuyên môn đó, dù chỉ là để biết họ đang làm cái gì thôi, sau đó tiến lên từng bước cho tới khi bạn tin mình đủ kiến thức để mở công ty thì lúc đó bạn có thể ra ngoài mở công ty được ngay!

Bạn phải sẵn sàng để làm những việc nhỏ nhất với cái mà bạn theo đuổi, sau đó từ từ đi lên từ đó
Bạn phải sẵn sàng để làm những việc nhỏ nhất với cái mà bạn đang theo đuổi, sau đó từ từ phát triển lên

Khi mình thành lập công ty đầu tiên của mình thì sau một năm mình nhận thấy thời điểm đó chưa phù hợp. Sau đó mình bắt đầu làm thuê cho một công ty của Úc, lúc đó mình cũng đặt cho mình mục tiêu đó là chỉ ở lại đây trong vòng 3 năm và sau đó trở lại với công ty của mình. Kết cục mình đã ở lại đó trong vòng 8 năm, 8 năm đó mình nghĩ là một khoảng thời gian tốt để mình có đủ kiến thức mà có lẽ là đến bây giờ mình mới sẵn sàng và mình đã làm được.

Huu Tuan: Em đang làm bên IT, nhưng em thích lĩnh vực truyền thông. Thì theo anh em có nên theo truyền thông ko? Hiện giờ em đã làm IT được 3 năm rồi!

Chào Tuấn! Thực ra thì mình cũng là người làm IT trước đây! Mình làm lập trình và còn làm thêm cả thiết kế nữa. Một điểm rất thú vị trong nghành truyền thông hiện tại đó là mảng truyền thông số, một xu hướng truyền thông ứng dụng công nghệ số như nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến.

Có rất nhiều thứ có thể ứng dụng những kỹ năng của người làm IT. Nếu như bạn thích lĩnh vực truyền thông mà vẫn không muốn lãng phí kinh nghiệm của mình trong 3 năm vừa qua thì tốt nhất bạn nên tìm hiểu truyền thông số bao gồm những gì? Những vai trò nào trong truyền thông số sẽ phù hợp đối với một người làm kỹ thuật?

Lúc đó bạn có thể có những hiểu biết căn bản để có thể bắt đầu tự học trong thời gian ngắn, sau đó xin vào những công ty truyền thông và đóng vai trò như là một người làm kỹ thuật.

Ilin988: em là designer nhưng làm cách nào, học gì thêm để có thể mở công ty kinh doanh hả anh?

Designer là một công việc mang tính sáng tạo cực kỳ cao! Nếu như bạn muốn mở một công ty chuyên về lĩnh vực design của mình thì có lẽ nó nên là một công ty ở trong ngành sáng tạo!

Sáng tạo thì có rất nhiều và mình chưa biết bạn chuyên về mảng nào. Nhưng bạn có thể tìm hiểu xem mô hình mà công ty nơi bạn đang làm, hoặc những công ty mà bạn đang muốn xây dựng dựa trên mô hình của nó, xem nó hoạt động như thế nào?

Nếu bạn muốn xây dựng công ty của mình giống như những công ty hàng đầu đó thì bạn nên bắt đầu với vị trí nhỏ nhất trong những công ty hàng đầu về lĩnh vực đó. Rồi bước tiếp theo sẽ tính đi đâu? học cái gì? Cuối cùng là tìm hiểu về mô hình của một công ty như vậy.

Có 3 yếu tố để xây dựng bất cứ một loại mô hình nào đó là:

– Thứ nhất là con người – Bạn cần phải tìm được những người cộng sự của mình.

– Yếu tố thứ 2 đó là quy trình – là kinh nghiệm vận hành quy trình mà bạn học được trong những môi trường chuyên nghiệp

– Và yếu tố thứ 3 đó là công cụ – đó cũng là những kinh nghiệm mà bạn sẽ học được trong môi trường chuyên nghiệp.

Phan Bá Cạnh: Khó khăn nào anh khó vượt qua nhất?

Tất cả khó khăn sau khi vượt qua rồi khi nhìn lại thì mình không nghĩ nó còn là khó khăn nữa! Khó khăn lớn nhất đó là đối mặt với khó khăn. Tại thời điểm mình đối mặt với khó khăn, nó sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới, nó thường làm cho chúng ta giật mình.

Mình cũng thường gặp rất nhiều khó khăn, đơn giản như việc mất xe máy khi mới vào năm nhất, chiếc xe mà mình mượn của bố. Đó là cái khó khăn đầu tiên của mình, rồi đến những khó khăn như mình kể với các bạn từ đầu chương trình đó là: Gây thiệt hại cho công ty, Khó khăn trong việc giao tiếp – thiếu ngoại ngữ,…

Khó khăn nào cũng bắt mình phải suy nghĩ nhiều. Nhưng câu hỏi chung cho tất cả những khó khăn thường thấy đó là “Nó có đáng để mình giải quyết hay không?”, có một câu nói mà chúng ta thường nói đó là “Khó quá bỏ qua!”, có nghĩa đó là những khó khăn mà không có ích trên con đường dài mà chúng ta đã chọn thì mình không không nên tập trung vào nó để làm gì.

Một câu hỏi đặt ra đó là một khó khăn mà chúng ta nên vượt qua thì chúng ta vượt qua như thế nào? Chúng ta nên tận dụng những nguồn lực xung quanh mình. Có thời điểm mình đã học được rất nhiều thứ từ bạn bè, khi giải quyết vấn đề kỹ thuật cũng như về cả tiếng Anh.

Thì khi nhìn vào khó khăn việc đầu tiên cần làm đó là chúng ta cần đối mặt với nó, sau đó là tìm ra giải pháp và giải quyết vấn đề

Ngọc Trinh: Mình có 1 câu hỏi thế này:”Anh tự nhìn nhận thế nào về bài học này của mình? Liệu đó có phải là 1 case study thích hợp để truyền cảm hứng đến mọi người hay không? Vì thông thường giới trẻ luôn có suy nghĩ “Con nhà người ta, sếp nhà người ta…” họ sẽ chỉ có cảm hứng nhất thời chứ không duy trì được điều đó lâu dài. Vậy, làm thế nào để giới trẻ có thể nuôi được ngọn lửa đó bền bỉ và trường tồn hơn?” Xin cảm ơn anh và chúc anh ngày càng thành công!

Lúc mình viết status này đơn giản cũng chỉ để chia sẻ câu chuyện riêng của mình, và mình cũng không nghĩ là nó có độ lan truyền lớn đến như thế! Mình sẽ rất vui nếu nó trở thành một case study truyền cảm hứng!

Nhưng mà cảm hứng chỉ là một phần thôi! Vấn đề sau cảm hứng đó là hành động! Điều mình muốn nói ở đây đó là về thái độ của chúng ta đối với sự việc, mà nó được gói gọn trong một câu khẳng định đó là “Tôi sẽ làm chủ công việc của mình và tôi luôn luôn có giải pháp cho công việc được giao phó. Bởi vậy nên tôi xứng đáng nhận được những thử thách lớn hơn, để tiếp tục vượt lên xa hơn!”. Hy vọng nó sẽ là một câu để bạn thôi do dự và chần chừ. Và mình cũng tin rằng mỗi hành động nhỏ sẽ tạo nên thái độ và thái độ này sẽ giúp các bạn phát triển xa hơn nữa.

Nguyễn Hoàng Triều: Trong thời gian qua, có khi nào anh bị tình yêu hay những mối quan hệ xã hội chi phối làm ảnh hưởng đến con đường đến thành công hay không? Và anh đã xử lý những tình huống đó như thế nào?

Có thời gian mình cảm thấy rất buồn về những vấn đề trong cuộc sống, hồi đó mình định xách balo và đi du lịch đi khắp thế giới rồi sống bằng việc rửa chén.

Khi đó mình đi Trung Quốc 3 tuần, có một trải nghiệm làm mình suýt chết, và khi mình quay trở về nhờ có trải nghiệm đó mà mình có được một tư duy mới, đó là “Nếu mà mình chưa chết thì không có gì là tồi tệ cả, chỉ cần mình còn sống thì mọi vấn đề đều là chuyện nhỏ thôi!”, mình suy nghĩ điều đó trong rất nhiều năm và nhận thấy mọi khó khăn mình đối mặt trong công việc và cuộc sống mình đều có thể giải quyết được, miễn sao chúng ta còn sống.

Hiếu: Có bao giờ anh ngồi một mình anh nghĩ mình thực sự không giống ai chưa? Và dựa vào cơ sở nào hay động lực nào mà anh quyết định nghỉ học tại ĐH Bách Khoa để đến với một môi trường học tập mang tính thực tiễn cao hơn – Digital Agency? Anh đã nghĩ những gì khi quyết định như vậy? Anh có nghĩ mình là con người bản lĩnh và quyết đoán không?

Khi mọi người nghe về câu chuyện này có thể cho rằng mình bản lĩnh và quyết đoán! Nhưng thực ra vào thời điểm đó mình không có sự lựa chọn nào khác. Sự lựa chọn ở đây là nếu mình cứ tiếp tục bám lấy ngành học không phù hợp và bỏ lỡ mất cơ hội để giai nhập vào một trong những công ty đầu tiên trong lĩnh vực đó thì mình sẽ rất hối hận.

Và đối với mình lúc đó nó là sự lựa chọn duy nhất! Có những sự lựa chọn là “Cứ học tiếp đi, rồi cơ hội thể nào cũng tới!” hoặc là “Mình làm 2 thứ một lúc!”. Mình thì mình nghĩ rằng việc đi học tiếp nó sẽ giúp cho mình có bằng đầy đủ, một sự an toàn. Nhưng sự an toàn này có thể giết đi sự áp lực giúp mình nỗ lực hơn.

Sự an toàn đôi khi có thể giết chết mọi nỗ lực giúp ta phát triển hơn
Sự an toàn đôi khi có thể giết chết mọi nỗ lực giúp ta phát triển hơn

Tất cả chúng ta đều nỗ lực khi chúng ta có áp lực! Giống như kiểu mình sẽ học tốt nhất vào ngày cuối cùng trước kì thi, và lớn hơn nữa là khi mình thất bại hoàn toàn trước công việc, không có đủ năng lực trong công việc mình chọn thì mình sẽ không biết đi đâu cả… Nếu vậy thì càng phải nổ lực nhiều hơn và bởi thế nên mình luôn tìm được giải pháp trong khó khăn. Đó không phải mình quá giỏi mà vì mình đã không có đường rút! Và sau nhiều năm mình cảm thấy đó là một quyết định đó đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa học đại học là phí phạm, mình đã học được rất nhiều điều về tư duy logic, những người bạn, và mình luôn tự hào vì đã từng là một sinh viên của mái trường bách khoa.

Phương: Anh sẽ làm thế nào nếu nhân viên của mình nói rằng “đó không phải là việc của tôi” trong khi họ vẫn hoàn thành tốt những công việc nằm trong scope of work của họ?

Nếu như họ vẫn hoàn thành tốt công việc của mình và họ nói những việc khác “Không phải việc của họ” thì mình thấy họ vẫn xứng đáng để được ở lại và tiếp tục làm công việc của mình.

Điều đó khiến cả công ty rất vui vẻ và bạn ấy cũng rất vui vẻ!

Ngân: yếu tố nào là sự quyết định để anh tuyển dụng một nhân viên?

Có 2 yếu tố! Yếu tố thứ nhất là kỹ năng và thứ 2 đó là thái độ, trong đó thái độ đóng vai trò quan trọng nhất!

Kỹ năng là thứ có thể đào tạo được nhưng thái độ thì rất khó để thay đổi. Thái độ chia làm 2 phần chính:

Tính chủ động – nghĩa là bạn hiểu được công việc của mình, bạn luôn luôn chủ động và biết đưa ra những giải pháp tổng thể cho công việc của mình; các bạn còn phải hiểu được ngoài mình ra còn có những người khác nữa, những người đang làm trong một dự án và có sự kết nối cùng họ để đưa dự án đến thành công.

Tự chịu trách nhiệm – khi các bạn chủ động quá, khi bạn nỗ lực quá mà không có đủ kỹ năng để thực hiện công việc thì lúc này bạn cần có khả năng tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Lúc này bạn sẽ ghi nhớ tốt hơn về những sai phạm của mình và sẽ phát triển lên, bạn sẽ có thể là những người bước lên vai trò cao hơn với vị trí quản lí hoặc điều hành về sau.

Duy: Trong công việc, hiện tại chức vụ cao nhất anh đang nắm giữ là gì? và mục tiêu của anh liệu rằng sẽ thăng cấp tiếp hay là một mục tiêu nào khác?
Chức vụ không thực sự quan trọng khi bạn thành lập một công ty riêng của mình. Một công ty đa quốc gia thì sẽ có nhiều cấp bậc hơn để bạn đưa ra mục tiêu hoặc kế hoạch cho hành trình sự nghiệp của mình, từ đó bạn sẽ biết mình cần những kỹ năng nào mà chức vụ đó yêu cầu.

Mình thì đã dừng lại ở việc xem chức vụ nào là chức vụ tiếp theo rồi, bởi vì hiện tại mình đang hướng đến việc tạo ra giá trị qua việc kết nối một đội ngũ mạnh do chính mình gây dựng nên.

Nguyễn Mạnh Hùng: Chủ đề tình yêu: Theo góc nhìn của anh thì là đàn ông, con trai phải như thế nào để khiến cho người yêu của mình cảm thấy luôn an toàn khi thành đạt luôn đối nghịch với điều đó?

Khi thành đạt thì người đàn ông sẽ gặp phải rất nhiều cám dỗ và người phụ nữ của bạn sẽ cảm thấy không an toàn. Mình tin rằng trong một mối quan hệ thì niềm tin được đặt lên rất cao và luôn là cái quan trọng nhất!

Vậy làm sao để xây dựng được niềm tin? Mình nghĩ niềm tin được tạo ra dựa trên sự cởi mở. Ví dụ như với mình thì mình tạo niềm tin cho vợ mình bằng cách là mình không giấu diếm bất kỳ điều gì với vợ của mình cả, trong đó kể cả: password facebook, điện thoại hay tài khoản ngân hàng,… mình đều chia sẻ với vợ của mình.

Đó là những gì mà mình đang làm được…

Tuấn Anh: Thầy Huy cho em hỏi đối với doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, lựa chọn không gian tiếp thị chính là social, mặt hàng thời trang, User là dân văn phòng, thì hoạt động nghiên cứu thị trường nên tiến hành như thế nào? Theo thầy tối thiểu nên làm những cái gì? Em cảm ơn thầy!

Nên làm như thế nào, quay trở lại thì bạn cần phải đặt ra câu hỏi là mình đang cạnh tranh với ai trong không gian mạng xã hội đó?  Thực ra cạnh tranh trên social nghĩa là bạn đang cạnh tranh về sự chú ý với những người bạn, người nổi tiếng, trang tin tức mà user đang theo dõi trên mạng xã hội. Có nghĩa một doanh nghiệp về thời trang như của bạn các nội dung sẽ được nằm lẫn trong những thông tin trên mạng xã hội.

Thế thì làm sao để tạo nên sự khác biệt? Trước hết bạn cần xây dựng một cá tính của thương hiệu trên không gian mạng xã hội. Cá tính này sẽ được định hình bằng chân dung của một con người thật. Nếu như trang mạng xã hội của bạn là một con người thì nó sẽ như thế nào? Sẽ có sở thích gì? Niềm tin ra sao? Có giọng nói như thế nào? Kiến thức của người đó sẽ ra sao?

cạnh tranh trên social nghĩa là bạn đang cạnh tranh về sự chú ý với những người bạn, người nổi tiếng, trang tin tức mà user đang theo dõi trên mạng xã hội
cạnh tranh trên social nghĩa là bạn đang cạnh tranh về sự chú ý với những người bạn, người nổi tiếng, trang tin tức mà user đang theo dõi trên mạng xã hội

Rồi đến làm hoạt động nghiên cứu thị trường như thế nào? Thường đó là 2 hình thức là định tính và định lượng. Nếu là định tính thì đó có thể là những buổi giao lưu café với những nhóm đối tượng, từ đó bạn có thể đặt ra những câu hỏi và tìm hiểu về mối quan tâm của họ về thời trang nói riêng và những phần khác trong cuộc sống của họ.

Lúc này nội dung bạn xây dựng nên trên kênh mạng xã hội sẽ được nói ra bằng một cá tính riêng của thương hiệu và đồng thời nói đúng chính xác về những mối quan tâm của đối tượng. Từ đó nội dung sẽ trở nên có giá trị để họ tương tác ngược lại và ghi nhớ thương hiệu của mình và lựa chọn thương hiệu của mình khi họ ra một quyết định mua.

Hiện nay, ngoài sự phát triển của Facebook ra thì còn có Instagram, Zalo là những ứng dụng dựa trên nền tảng mobile cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kinh doanh mặt hàng về thời trang. Ngoài ra bạn còn có thể kết nối với những cộng đồng của phụ nữ như webtretho để tăng sự hiện diện tốt hơn.

Thu Lan: Anh là đàn ông nên có thể dễ dàng tập trung cho sự nghiệp. Nhưng phụ nữ thì không. Vậy anh có quan điểm như thế nào về vấn đề này ạ?

Mình rất là ngưỡng mộ các chị có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng của mình. Mình có một quan điểm rằng thành công của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Thành công của một người có tham vọng trong công việc sẽ khác một người mong muốn giành thời gian để tận hưởng trải nghiệm trong cuộc sống và sẽ khác với những người phụ nữ mong muốn dạy những đứa con chu đáo. Mỗi người nhìn vào kết quả trong việc hay cuộc sống của mình sẽ có những định nghĩa riêng cho mình về thành công.

Nếu như chỉ nói về sự nghiệp đối với phụ nữ thôi thì sẽ như thế nào? Mình nghĩ tất cả chúng ta đều muốn dành một sự cân bằng giữa cuộc sống và sự nghiệp, đặc biệt khi phụ nữ còn phải gánh vác thêm phần trách nhiệm rất lớn trong việc nuôi dạy con cái. Khi đối diện với một khó khăn lớn như vậy, thì việc quan trọng đối với những người phụ nữ đó là tìm được cho mình những người có thể hỗ trợ và chia sẻ khối lượng công việc để bạn, giúp bạn có thêm những khoảng thời gian riêng cho gia đình.

Phan Trung: Xin chào anh Huy! Vốn đã biết anh qua những người bạn cùng ngành làm việc trong mảng truyền thông! Khi anh start-up 1 doanh nghiệp truyền thông với sự cạnh tranh lớn của những đối thủ khác, như thế sẽ rất áp lực với anh, cụ thể làm sao anh vượt qua được những đối thủ đó ạ! Và khi star-up trong mảng truyền thông khó khăn lớn nhất là gì ạ?

Đúng như bạn nói, khi mới ra thành lập start-up thì có nhiều cái rất mới và khi thực sự bước vào công việc thì càng thấy nó mới hơn nữa! Mặc dù mình cũng tự tin với kinh nghiệm đến từ công ty start-up lẫn tập đoàn đa quốc gia mà mình có được. Nó rất thú vị!

Nếu như còn ở trong một bộ máy đã vận hành trơn tru và hài lòng với một công việc có vị trí cao của một tập đoàn đa quốc gia thì mình không có nhiều trải nghiệm như vậy.

Vậy thì làm sao để cạnh tranh với những công ty lớn mạnh khi mà mình chỉ mới là một start-up? Trước hết, đó là sự chuẩn bị trong nhiều năm để giúp mình hiểu được những mô hình và quy trình áp dụng cho công ty của mình.

Khi còn là một start-up, trước hết bạn cần có sự chuẩn bị trong nhiều năm để giúp mình hiểu được những mô hình và quy trình áp dụng cho công ty của mình.
Khi còn là một start-up, trước hết bạn cần có sự chuẩn bị trong nhiều năm để giúp mình hiểu được những mô hình và quy trình áp dụng cho công ty của mình.

Giống như 3 yếu tố như mình đã nói đó là: con người, quy trình và công cụ. Quy trình và công cụ thì mình đã tích lũy rất nhiều năm từ mô hình nhỏ đến mô hình lớn. Đó là một sự chuẩn bị dài nên mình cũng không quá bỡ ngỡ.

Phần tiếp tiếp theo đó là con người, luôn luôn là vấn đề lớn nhất trong ngành công nghiệp sáng tạo! Mình may mắn vì có những người cộng sự bạn đầu là người bạn đồng hành, giúp đỡ, chiến đấu và vượt qua nhiều khó khăn – thử thách. Nhờ có họ mà mình đã đạt được rất nhiều thành công.

Tổng hợp: Number 1