Công nghệ máy ảnh có thể nhìn cong qua tường

7401

Với những bước phát triển vượt bậc của nền khoa học kỹ thuật hiện đại, ngày nay con người đã thực sự có thể làm được nhiều điều tưởng chừng là hoang đường.

Bước tiến của công nghệ - Một chiếc máy ảnh có thể nhìn cong qua tường
Bước tiến của công nghệ – Một chiếc máy ảnh có thể nhìn cong qua tường

Bạn nghĩ gì về một chiếc máy ảnh có thể chụp cong qua tường, hay các vật thể khác thay cho những chiếc máy ảnh thông thường như hiện tại? Genevieve Gariepy và Daniele Faccio – hai nhà nghiên cứu đến từ trường đại học Đại học Heriot-Watt ở Edinburgh, Scotland vừa hiện thực hóa thành công một phần giấc mơ này, vào tháng 12 vừa qua.

Bước tiến mới của công nghệ

Khác với các loại hình chụp ảnh xuyên qua tường sử dụng sóng điện từ đã được nhiều trường đại học và nhà nghiên cứu trên thế giới sử dụng, nhóm nghiên cứu từ Đại học Heriot-Watt sử dụng nguồn sáng laser và một chiếc máy ảnh hiện đại để thực hiện thử nghiệm này.

Điểm đặc biệt của chiếc máy ảnh này là khi kết hợp với một nguồn sáng laser có độ chính xác cao, nó sẽ có khả năng ghi lại được chính xác vị trí của các hạt photon – những hạt vật chất di chuyển với tốc độ ánh sáng. Nguồn sáng laser sẽ được chuyển tới đối tượng cần lưu lại hình ảnh – đang ở vị trí khuất sau góc tường.

Hình ảnh mô tả trực quan về thí nghiệm của nhóm nghiên cứu (bao gồm máy ảnh và nguồn sáng laser)
Hình ảnh mô tả trực quan về thí nghiệm của nhóm nghiên cứu (bao gồm máy ảnh và nguồn sáng laser)

Theo tiết lộ từ Genevieve Gariepy và Daniele Faccio, chiếc máy ảnh này (sau khi được kết hợp cùng nguồn sáng laser) có khả năng ghi lại được các hạt photon với vận tốc 20 tỷ khung hình/giây, một con số vô cùng ấn tượng. Điều này giúp nhóm nghiên cứu thu nhận được các dữ liệu về khoảng cách, hướng và các thông tin khác.

Đơn giản và xử lý trong thời gian nhanh hơn

Như đã nói ở trên, việc sử dụng nguồn sáng laser siêu chính xác kết hợp với một chiếc máy ảnh hiện đại, giúp rút ngắn quá trình xử lý dữ liệu cho ra đời các bức ảnh. Những điều mà trước đây, các nhóm nghiên cứu khác phải mất rất nhiều thời gian và quá trình phức tạp. Thậm chí trong thí nghiệm của Đại học Heriot-Watt, mọi thao tác ghi ảnh có thể được ghi lại trong vòng 1 giây. Nếu vật thể bị che khuất chuyển động, con số đó là 3 giây.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là những thiết bị mà Genevieve Gariepy và Daniele Faccio sử dụng trong thí nghiệm này không phải là các thiết bị đại trà. Những ống kính và các thiết bị chuyên dụng kết hợp với máy ảnh để sử dụng hoàn hảo nguồn sáng laser không được bày bán rộng rãi. Đó là khó khăn để đưa ứng dụng này trở nên phổ biến với mọi người.

Công nghệ này sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống
Công nghệ này sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống

Ứng dụng trong cuộc sống

Bước đột phá trong công nghệ này hoàn toàn có thể giúp ích nhiều cho con người, đặc biệt là trong lĩnh vực cứu hộ hay giao thông. “Công nghệ này có thể giúp con người tránh được các tai nạn khi tham gia giao thông tại những chỗ cua hay khúc ngoặt nguy hiểm,” Genevieve Gariepy nói.

Ngoài ra, trong những thảm họa hay thiên tai, chiếc máy ảnh với công nghệ mới này có thể giúp con người quan sát nhiều góc khuất khác nhau của khu vực xảy ra sự cố. Ví dụ như trong một thảm họa hạt nhân, con người không thể trực tiếp xuống quan sát hiện trường, và công nghệ này sẽ là một giải pháp hoàn hảo.

Nguồn: Internet